top of page

Tất cả về Robusta

Writer's picture: Thai DangThai Dang

by Thai Dang


Có lẽ (specialty) coffee fan có thể dễ dàng liệt kê ra hàng chục hay hàng trăm loại cà phê trong Coffea arabica, như Typica, Bourbon, Geisha, Catimor, hay Caturra. Nhưng Robusta thì sao? Có bao nhiêu loại Robusta? Robusta ở Việt Nam thuộc loại nào?


Robusta là gì?

Robusta là tên thường dùng để chỉ cà phê nằm trong loài Coffea canephora. Robusta không phải là tên khoa học, do đó trong bài viết này mình sẽ dùng cả hai tên Robusta và C. canephora tùy hoàn cảnh.


Nếu như C. arabica bắt đầu được canh tác ở Ethiopia từ thế kỉ XIV, và tại Tihama và Sana'a (Yemen) từ thế kỉ XVI, phải đến cuối thế kỉ XIX, C. canephora mới được phát hiện. Vào khoảng những năm 1870s, bệnh gỉ sắt (coffee leaf rust) càn quét hàng loạt đồn điền cà phê tại Sri Lanka, Ấn Độ và Indonesia.


Cà phê C. liberica được trồng thử nghiệm song song với Arabica nhưng sản lượng, mùi vị và khả năng chống bệnh đều không như mong đợi. Trong khoảng 1890-1920, các nước thực dân châu Âu bắt đầu quay lại châu Phi tìm kiếm các loài/giống cà phê khác với hy vọng nguồn gen mới có thể chống được bệnh gỉ sắt. Trong số những loài cà phê mới, C. robusta là cái tên đáng chú ý nhất. Năm 1900, C. robusta được giới thiệu tại Java (Indonesia).


Vì sao loại cà phê mới này lại có tên ‘Robusta'? Tất cả bắt nguồn từ catalogue giới thiệu của vườn L'Horticole Coloniale từ Bỉ, được viết vào năm 1900. Tác giả catalogue dùng từ ‘Robusta' để nhấn mạnh sức kháng sâu bệnh và năng suất cao của loại cà phê này. C. robusta sau này được xếp vào loài C. canephora.


Khác với cà phê Arabica với 44 nhiễm sắc thể và có thể tự thụ phấn, C. canephora có 22 nhiễm sắc thể và bắt buộc phải thụ phấn chéo để có thể sinh trưởng. Những cây C. arabica xuất hiện trong tự nhiên tại rừng rậm tây nam Ethiopia, còn C. canephora sinh trưởng khắp Tây và Trung Phi, trải dài từ Guinea đến Uganda và Tanzania, và dọc từ cộng hòa Trung Phi đến Angola. C. canephora sinh trưởng tốt trong độ cao 0-1500m trên mực nước biển, chịu được nhiệt độ cao (trên 30°C). Tuy nhiên, loài này chịu lạnh kém và cần độ ẩm cao hơn Arabica.

Hình minh họa từ Montagnon, C. & Marraccini, P.


Lịch sử sơ lược về Robusta

Từ 150 hạt giống đầu tiên được chuyển đến Java, Robusta bắt đầu thay thế Arabica trên khắp các đồn điền Indonesia (khi đó là Đông Ấn Hà Lan). Đến khoảng năm 1915, hầu hết Arabica canh tác ở độ cao trung bình tại Indonesia đã bị thay thế bởi Robusta. Biểu đồ dưới đây cho thấy sức chống bệnh và năng suất vượt trội của Robusta tại Java.


Từ 1910 đến 1914, Robusta thay thế Arabica về năng suất, trong khi đó việc thu hoạch Liberica gần như biến mất. Sơ đồ từ McCook, S. (2019).


Robusta bắt đầu phủ sóng toàn bộ các đảo ở Indonesia. Từ đây, giống cà phê này được phổ biến đến Ấn Độ, các nước Đông Dương, Philippines, Đông Timor. Thực dân Pháp mang Robusta từ Indonesia đến các thuộc địa của mình ở Thái Bình Dương, ở Madagascar và nhiều nước châu Phi. Nhờ Robusta mà tổng sản lượng cà phê ở các nước châu Á và Thái Bình Dương tăng gấp đôi trong khoảng 1900-1940. Indonesia vươn lên thành nước sản xuất cà phê lớn thứ 3 thế giới (sau Brazil và Colombia).


Khi bệnh gỉ sắt bắt đầu xuất hiện tại châu Phi, Robusta càng thể hiện được sức đề kháng vượt trội của mình. Vào đầu thế kỉ XX, các đồn điền cà phê tại Đông Phi phần lớn trồng các giống Arabica, trong khi đó nông dân ở Tây và Trung Phi có trồng xen kẽ các giống Robusta bản địa. Khi bệnh gỉ sắt ngày càng trở nên phổ biến và đặc biệt khắc nghiệt vào những năm 1920s, Arabica được canh tác ở độ cao ngày càng lớn, trong khi Robusta thay thế Arabica các vùng đất thấp hơn. Việc canh tác cà phê mở rộng; các thuộc địa ở Trung và Tây Phi tập trung trồng Robusta như Angola, Congo, Bờ Biển Ngà có tổng sản lượng cao hơn tổng sản lượng Arabica ở Đông Phi.


(Lịch sử canh tác cà phê tại châu Phi dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều, đây chỉ là bản rút gọn một vài ý chính).


C. canephora được giới thiệu tại Brazil từ năm 1912, nhưng chỉ bắt đầu được trồng rộng rãi từ những năm 1960s và chỉ trồng ở những nơi không phù hợp với Arabica. Các nước Trung và Nam Mỹ nói chung không bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh gỉ sắt cho đến những năm 1970s. Khi bệnh gỉ sắt xuất hiện khắp châu lục, nghiên cứu về hóa chất, phân bón và các giống lai có khả năng chống bênh như Catimor đã trở nên phổ biến. Cơ sở vật chất, mạng lưới nghiên cứu và hàng loạt giống mới là một vài lí do giúp các nước trồng cà phê ở châu Mỹ không phải dựa vào Robusta để sinh tồn như châu Á hay châu Phi. Ngoài Brazil, C. canephora chỉ phổ biến tại Mexico.


Đến nay, sau hơn 100 năm canh tác, tổng sản lượng Robusta chiếm 35-40% tổng sản lượng cà phê thế giới. Việt Nam là nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, với Robusta chiếm khoảng 95-97% tổng sản lượng cà phê cả nước.


C. canephora phong phú hơn ta tưởng

Tại Brazil, C. canephora thường được biết dưới cái tên Conilon. Từ này bắt nguồn từ giống cà phê xuất phát từ ven sông Kouilou ở Cộng hòa Congo. Từ 'Kouilon' bị viết nhầm thành 'Konilon', và biến đổi thành 'Conilon'.


Có thể bạn đã từng đọc qua bài viết này trên Perfect Daily Green. Đại ý người viết cho rằng Robusta là một giống cà phê thuộc loài C. canephora—và từ Robusta thường dùng để chỉ chung cà phê trồng ngoài Brazil.


Robusta Conilon đều thuộc về một loài C. canephora, nhưng có sự khác biệt nhỏ về kiểu hình và kiểu gen. Robusta nằm trong nhóm gen SG2, còn Conilon trong nhóm gen SG1.


Thông tin này đúng, nhưng chưa đủ.

  • Trên thực tế, Robusta vẫn được dùng song song với C. canephora, kể cả trong các bài báo khoa học.

  • Cho đến này, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có ít nhất 5 nhóm gen của C. canephora, nằm rải rác giữa Tây và Trung Phi.

Garativo et al. (2016) tổng hợp có 5 nhóm gen chính của C. canephora:

  • Nhóm 'Guinean' (hay nhóm D): bắt nguồn từ khu vực Bờ biển Ngà-Guinea ở Tây Phi

  • Nhóm 'Nana' (hay nhóm C): bắt nguồn từ miền đông nam Cameroon và tây nam Cộng hòa Trung Phi và phía bắc Congo

  • Nhóm 'Conilon' hay ‘Kouillou' (nhóm SG1 hoặc A): bắt nguồn từ phía nam Gabon, đặc biệt là bên sông Kouilou

  • Nhóm ‘Congo-Central Africa' (nhóm B): bắt nguồn từ phía bắc lưu vực Congo và phía nam Cộng hòa Trung Phi

  • Nhóm ‘Congo-Uganda' (nhóm SG2): từ Uganda và lưu vực Congo

Biểu đồ dưới đây giúp bạn hình dung rõ hơn:

Hình minh họa từ Montagnon, C. & Marraccini, P.


2 nhóm gen được trồng phổ biến nhất là SG1 và SG2. SG1 thường thấp hơn, lá dài hơn, trái nhỏ hơn và chịu hạn tốt hơn. Trong khi đó SG2 có là rộng và dài hơn, trái lớn hơn, lượng caffeine thấp hơn SG1, nhưng có sức đề kháng bệnh gỉ sắt cao hơn.


Mặc dù kiểu gen khác nhau và kiểu hình cũng có khác biệt, mùi vị của cà phê từ các nhóm gen này lại tương tự nhau. Điều này dễ dẫn đến lầm tưởng chỉ có một giống Robusta. Trên thực tế, các hạt giống C. canephora đầu tiên được trồng tại Java gồm hạt giống từ Congo, hạt giống mang tên ‘Quillou' hay ‘Kouillou' từ Gabon, hạt tên ‘Canephora' từ Trung Phi, và ‘Ugandae' từ Uganda. Mỗi giống Robusta đều có màu lá, cỡ lá, hay độ cao khác nhau.


Không chỉ đa dạng về nhóm gen trong tự nhiên, qua mỗi đời, Robusta sẽ càng phong phú. Như đã đề cập, Robusta phải lai giống chéo với cây khác để sinh sản. Do vậy, mỗi cây Robusta sinh sản tự nhiên đều có kiểu gen khác nhau. Trong khi đó, vì C. arabica là loài tự thụ phấn, mỗi cây Arabica mới thường có kiểu gen tương tự với cây mẹ.


Sự đa dạng tự nhiên này là một trong những lý do C. canephora có thể thích nghi với nhiều kiểu khí hậu, độ cao, lượng mưa và có khả năng kháng chịu nhiều loại sâu bệnh. Tính thích nghi cao là đặc điểm nổi trội của C. canephora, nhất là khi so sánh với bộ gen thống nhất (và do đó, có khả năng thích nghi kém) từ đời này qua đời khác của C. arabica.


Tuy vậy, sự đa dạng kiểu hình và kiểu gen gây khó khăn cho việc trồng cùng một giống Robusta với khả năng kháng bệnh và sản lượng tương đương nhau. Đây là lý do việc nhân bản vô tính (cloning) và lai giống (hybrid) trong Robusta rất phổ biến. Dựa trên giống landrace (giống phù hợp với thổ nhưỡng) có sẵn, các viện nghiên cứu có thể nhân bản vô tính một số cây mẹ có ưu điểm vượt trội (thường bằng cách chiết cành), hoặc cho lai hai cây có nhiều ưu điểm với nhau, hoặc kết hợp cả hai bước. Tại Brazil, vào những năm 1990s, viện nghiên cứu INCAPER cho ra đời một loạt giống mới qua việc lai tạo và nhân bản vô tính như Empaca 8111, 8121, 8131, 8141 hay Vitória - Incaper 8142, tất cả đều dựa trên một số cây Conilon có sẵn. Không chỉ tập trung vào tăng sức chịu hạn, chịu sâu bệnh hay năng suất, trong những năm gần đây, giống nhân bản vô tính mới như Centenária ES8132 hay Diamante ES 8112 được đánh giá có hương vị vượt trội.


Còn Việt Nam thì sao? Dùng phương pháp DArTseq để phân tích kiểu gen, Garativo et al. (2016) kết luật rằng cà phê Robusta ở Việt Nam và Mexico nằm trong nhóm gen SG2, bắt nguồn từ Congo-Uganda. Các giống Robusta sinh sản vô tính cũng khá phổ biến ở Viêt Nam, điển hình như tại Trung tâm giống cây trồng Eakmat.


Tạm kết

Ai cũng biết thế giới cà phê vô cùng rộng lớn. Nhiều người biết C. arabica đa dạng thế nào nhưng không phải ai cũng biết C. canephora phong phú ra sao. Biết thêm về các nhóm gen của C. canephora mở ra cách suy nghĩ về việc lai tạo giống mới, đặc biệt là giống giữa các nhóm gen, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Không những thế, với sự lên ngôi của Fine robusta, mùi vị của C. canephora ngày càng được chú trọng. Có lẽ đã đến lúc Robusta có một Canephora catalogue của riêng mình, như WCR đã làm với Arabica?


Reference

Cramer, P. J. S. (1957). A Review of Literature of Coffee Research in Indonesia. SIC Editorial, Inter-American Institute of Agricultural Sciences


Davis, A. P., Tosh, J., Ruch, N., Fay, M. F. (2011). Growing coffee: Psilanthus (Rubiaceae) subsumed on the basis of molecular and morphological data; implications for the size, morphology, distribution and evolutionary history of Coffea. Botanical Journal of the Linnean Society 167: 357–377.

Ferrão, R. G., Fronseca, A. F. A. da., Ferrão, M. A. G., de Muner, L. H. (Ed.). (2019). Conilon coffee. Vitória, ES : Incaper.

Garavito, A., Montagnon, C., Guyot, R., Bertrand, B. (2016). Identification by the DArTseq method of the genetic origin of the Coffea canephora cultivated in Vietnam and Mexico. BMC Plant Biology.

McCook, S. (2019). Coffee Is Not Forever: A Global History of the Coffee Leaf Rust. Ohio University Press.

Montagnon, C., Marraccini, P. Genetic resources (and their use) in Coffea canephora (presentation). CIRAD.

Wintgens, J. N. (eds). (2012). Coffee: Growing, Processing, Sustainable Production: A Guidebook for Growers, Processors, Traders, and Researchers. Wiley-VCH Verlag GmbH


Mỗi bài blog là tài sản trí tuệ của 96B cafe & roastery. Nếu các bạn muốn chia sẻ, hay ghi rõ nguồn www.96B.co - xin cảm ơn.


Komentarze


bottom of page