by Thai Dang
Bài viết này ra đời vì mình muốn trả lời một câu hỏi “đơn giản": “Catimor là Arabica hay Robusta?”
Nếu bạn muốn câu trả lời ngắn (nhưng không đủ) thì “Catimor được xếp trong loài (species) Coffea arabica."
World Coffee Research xếp ‘Catimor' vào danh sách các giống Arabica phổ biến tại đây.
Nhưng câu trả lời trên vẫn chưa thỏa đáng. Nếu Catimor là Arabica, tại sao CafeImports lại liệt Catimor vào nhóm Canephora-related (liên quan đến Canephora/Robusta) (các giống trong ô màu tím)?
Không ít người, dựa trên hình Coffee Family Tree của CafeImports trên đây, cho rằng Catimor, và các giống lai tạo với Timor Hybrid, thực ra là Robusta—chỉ có cà phê bắt nguồn từ Typica, Bourbon và Ethiopian landraces mới là Arabica 😅
Câu trả lời không đơn giản như vậy.
Từ Híbrido de Timor đến Catimor
Cuối thế kỉ 19, hầu hết cà phê Arabica canh tác ở châu Á đều bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh gỉ sắt (Coffee Leaf Rust). Từ Sri Lanka, bệnh gỉ sắt lan ra các đồn điền cà phê tại Java và Sumatra (Indonesia).
Người Hà Lan bắt đầu thử trồng nhiều giống Arabica khác nhau, nhưng chỉ Robusta mới thể hiện khả năng chống bệnh hiệu quả nhất. Trong khoảng 30 năm, đến khoảng những năm 1930s, hơn 90% cà phê tại Indonesia là Robusta. Một số đồn điền Typica cũ còn sót lại, nhưng số lượng cây chống chọi được bệnh gỉ sắt không nhiều.
Tại Đông Timor (khi đó vẫn là đảo thuộc Indonesia), giống lai chéo tự nhiên giữa Typica và Robusta, gọi là Híbrido de Timor (HdT, hay Timor Hybrid), được tìm thấy vào năm 1927 (có nguồn khác ghi là 1917).
Vì sao HdT quan trọng? Về nguyên tắc, các loài (species) khác nhau thường không thể thụ phấn cùng nhau, do có quá nhiều điểm khác biệt về thời gian nở hoa, thời gian thụ phấn, hay cấu trúc sắc thể. Cà phê Robusta là loài lưỡng bội (diploid) với 2 bộ nhiễm sắc thể = 22 nhiễm sắc thể (chromosome). Arabica là loài tứ bội (tetraploid) với 4 bộ nhiễm sắc thể = 44 nhiễm sắc thể. Arabica tự thụ phấn (self-pollinating), trong khi đó Robusta cần thụ phấn chéo (cross-pollinating).
Mặc dù Arabica được xem là ‘con' của Robusta (hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng Coffea canephora x Coffea eugenioides tạo ra Coffea arabica), khi hai loài quá khác biệt về số lượng nhiễm sắc thể lai giống với nhau, thế hệ tiếp theo thường mất khả năng sinh sản vì bộ gen bị xáo trộn quá lớn. Tuy nhiên, HdT không chỉ giữ được một phần hương vị của Typica cùng khả năng chịu sâu bệnh của Robusta, mà còn có thể thụ phấn và sản sinh các thế hệ tiếp theo.
Đặc biệt nhất, HdT cũng có 44 nhiễm sắc thể. Điều đó có nghĩa là giống lai này có thể tiếp tục lai chéo với các giống Arabica khác. HdT tạo nên một cuộc cách mạng trong việc lai tạo giống cà phê.
Từ Đông Timor, hạt giống HdT được vận chuyển tới Centro de Investigação das Ferrugens do Cafeeiro (CIFC) tại Bồ Đào Nha. Các nhà khoa học thử nghiệm lai một số cây HdT có khả năng kháng bệnh cao nhất với với Caturra và tạo ra giống lai mới có code name như HW26 hay H46.
Con lai giữa HdT và Caturra được trồng thử nghiệm tại Brazil dưới cái tên Catimor, trước khi nhanh chóng trở nên phổ biến tại các nước trồng cà phê ở Nam Mĩ. Các nước Nam Mĩ khác cũng bắt đầu thử nghiệm tự lai tạo HdT với Caturra để tạo ra giống lai mới tương tự như Catimor. HdT cũng được lai tạo với Villa Sarchi để tạo ra giống lai Sarchimor.
Catimor không chỉ là một giống cà phê…
Nhiều người lầm tưởng rằng Catimor chỉ đơn giản là một giống cà phê. Tuy vậy, dựa vào lịch sử ngắn gọn trên, ta có thể thấy rằng:
Nói một cách đơn giản: HdT x Caturra → Catimor ; HdT x Villa Sarchi → Sarchimor
Tuy nhiên, quá trình lai tạo HdT x Caturra được xảy ra tại nhiều nước khác nhau, dưới các công trình nghiên cứu khác nhau
Catimor không chỉ là một giống xuất phát từ CIFC, Catimor nên được hiểu là một Nhóm giống, được lai tạo dựa trên công thức chung HdT x Caturra. Sarchimor cũng nên được hiểu là Nhóm giống dựa trên công thức HdT x Villa Sarchi.
Một số giống Catimor nổi bật
Khi đã hiểu về bản chất của nhóm Catimor, bạn sẽ thấy việc đọc Coffee Family Tree đơn giản hơn nhiều.
Với mỗi giống được liệt kê, các tác giả đều có thông tin ngắn gọn về nguồn gốc và xuất xứ. Do đó, thay vì chỉ nhìn vào ô thông tin Canephora-related, ta nên đọc kĩ thông tin cụ thể về các giống cà phê trong ô màu tím 😅Hầu hết các giống cà phê được liệt kê đều là con lai với HdT, với Catimor, hoặc với Sarchimor.
Màu tím không có nghĩa là cà phê này nằm trong loài Robusta
Một số cái tên nổi bật trong nhóm Catimor có thể bạn đã từng gặp:
T8667: HdT x Caturra, được phát triển bởi viện PROMECAFE. Dựa trên T8667, viện nghiên cứu ICAFE ở Costa Rica phát triển Costa Rica 95, IHCAFFE ở Honduras tạo ra Lempira, và ISIC ở El Salvador phát triển Catisic.
Cat129: HdT x Caturra từ Colombia, được phổ biến rộng rãi tại Malawi
Anacafe14: Catimor x Pacamara, được phát triển bởi anacafe tại Guatemala
Colombia: Sản phẩm của một trong những dự án phát triển cà phê kháng bệnh quan trọng nhất tại Colombia. Vẫn với công thức HdT x Caturra, nhưng viện nghiên cứu Cenicafe chỉ chọn lọc các hạt giống đời F5 để tạo ra Colombia.
Castillo ®: Khi Colombia mất khả năng chống gỉ sét, Cenicafe lai Colombia x Caturra để tạo ra Castillo. Castillo còn được chia ra các giống nhỏ hơn, như Castillo El Rosario hay Castillo Naranjal, mỗi giống được cho là có kiểu mùi vị đặc trưng tùy vùng trồng.
Ruiru 11: sản phẩm của cây mẹ (Catimor) x cây bố (lai giữa Sudan Rume, HdT, K7, N39, SL28, SL34, và Bourbon). Cây bố là giống lai có hương vị tốt (thừa hưởng từ N39, SL28, SL34 và Bourbon), có sức kháng bệnh CBD (Coffee Berry Disease) cao (từ Rume Sudan, HdT và K7). Cây mẹ được chọn vì có kiểu hình lùn và cũng có khả năng kháng CBD nhất định.
Batian: con lai giữa cây bố (giống của Ruiru 11) với chính Ruiru 11, được giới thiệu năm 2010.
Tóm lại là
Câu hỏi “Catimor là Arabica hay Robusta?” cho rằng chỉ có 2 loài cà phê, Arabica hoặc Robusta 😅 Trên thực tế, có hàng trăm loài cà phê, trong mỗi loài có thể có hàng chục hay hàng trăm giống. Không những thế, con lai trong tự nhiên và trong phòng thí nghiệm giữa các giống và thậm chí các loài đã và vẫn đang diễn ra.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Catimor là gì?” Catimor không chỉ đơn giản là HdT x Caturra, Catimor còn dùng để chỉ một Nhóm giống lai. Dựa trên công thức HdT x Caturra, các nhà nghiên cứu mới có thể phát triển hàng loạt giống cà phê có hương vị tốt và có sức kháng bệnh để ngành công nghiệp cà phê phát triển.
Đơn cử như Tabi, giống lai giữa HdT x Typica x Bourbon không chỉ có khả năng kháng bệnh gỉ sắt, mà còn có hương vị xuất sắc. Catimor thường bị coi là hạt Arabica thứ cấp, không ngon bằng các giống từ Typica, Bourbon, hay từ Ethiopian landraces, nhưng tầm quan trọng của Catimor trong cách mạng cà phê, cũng như trong các nghiên cứu hiện đại mới là không thể phủ nhận.
Reference
CafeImports Coffee Family Tree https://images.cafeimports.com/Cafe_Imports_Coffee_Family_Tree_Digital.png
World Coffee Research Arabica Variety Catalogue: https://varieties.worldcoffeeresearch.org/varieties
Kushalappa, A.C., & Eskes, A.B. (1989). Coffee Rust: Epidemiology, Resistance, and Management (1st ed.). CRC Press.
Koehler, J. (2017). Where the Wild Coffee Grows: The Untold Story of Coffee from the Cloud Forests of Ethiopia to Your Cup. Bloomsbury (New York).
Mỗi bài blog là tài sản trí tuệ của 96B cafe & roastery. Nếu các bạn muốn chia sẻ, hay ghi rõ nguồn www.96B.co - xin cảm ơn.
Comments